BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CƯ TRÚ NĂM 2020

Luật Cư trú năm 2020 có 07 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) như sau:

I. CHƯƠNG I (NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG) GỒM 07 ĐIỀU (TỪ ĐIỀU 1 ĐẾN ĐIỀU 7)

Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; bảo đảm việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và quản lý cư trú; hợp tác quốc tế về quản lý cư trú; các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú, cụ thể:

1. Luật bổ sung quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú gồm: Chỗ ở hợp pháp; cư trú; Cơ sở dữ liệu về cư trú; cơ quan đăng ký cư trú; đăng ký cư trú; lưu trú; tạm vắng; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại.

1.1. Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chỗ ở hợp pháp của công dân bao gồm chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng (như trường hợp thuê, mượn hoặc ở nhờ) của công dân đó. Để chứng minh chỗ ở hợp pháp của mình trong đăng ký cư trú, công dân cần có các loại giấy tờ liên quan đến chỗ ở hợp pháp của mình. Đa số người dân cư trú trong các công trình là nhà ở; tuy nhiên, thực tế có trường hợp người dân cư trú trên các tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển như hộ gia đình sinh sống trên biển, trên sông; ngoài ra còn trường hợp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thường xuyên sinh sống trong doanh trại để phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu thì đây cũng được coi là chỗ ở hợp khi đăng ký cư trú.

1.2. Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn Vị hành chính cấp xã).

Theo khái niệm nêu trên thì địa điểm cư trú của công dân là địa chỉ cụ thể được xác định trong đơn vị hành chính tương ứng mà công dân đó sinh sống. Hiện nay nước ta có 10.603 đơn vị hành chính cấp xã; tuy nhiên, do đặc thù về địa lý vẫn có 05/705 đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 05 huyện đảo: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Do vậy, việc đăng ký, quản lý cư trú tại các huyện đảo này sẽ do Công an huyện trực tiếp thực hiện.

1.3. Cơ sở dữ liệu về cư trú cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về cư trú của công dân, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

Dữ liệu liên quan đến thông tin về cư trú của công dân gồm nhiều thông tin khác nhau và được quản lý bằng Cơ sở dữ liệu về cư trú, đây là cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Công an để phục vụ cho việc quản lý cư trú và các yêu cầu nghiệp vụ khác có liên quan. Cơ sở dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; theo đó, sẽ có một số trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú được chia sẻ trực tiếp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… Hiện nay, cùng với việc triển khai thực hiện dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cũng đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về cư trú để bảo đảm đến ngày 01/7/2021 khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý, đăng ký cư trú trong toàn quốc.

1.4. Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Ở nước ta có 04 cấp hành chính là cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; do vậy, việc quản lý cư trú cũng được phân theo 04 cấp như hiện nay. Tuy nhiên về thẩm quyền thực hiện đăng ký cư trú thì chỉ có cơ quan Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (lực lượng trực tiếp quản lý dân cư) mới. Việc phân cấp như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc đăng ký cư trú, khi có thể thực hiện việc đăng ký cư trú ngay tại địa phương mình sinh sống.

1.5. Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Đây là một thuật ngữ được giải thích, quy định mới trong Luật Cư trú năm 2020 so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), bao gồm toàn bộ các hoạt động trong đăng ký cư trú. Trong đó, có 04 hoạt động chính là đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú và việc khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú liên quan đến 04 hoạt động nêu trên.

1.6. Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) không quy định rõ thời gian lưu trú tối đa trong đăng ký cư trú; tuy nhiên, Luật Cư trú năm 2020 đã quy định rõ thời hạn này là dưới 30 ngày để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn việc cư trú và phân biệt rõ với trường hợp công dân phải đăng ký tạm trú, thường trú. Khi công dân lưu trú tại một địa điểm khác nơi thường trú hoặc nơi tạm trú từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú hoặc thường trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.

1.7. Tạm vắng là việc công dân vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định.

Luật Cư trú năm 2020 bổ sung nội dung giải thích thuật ngữ về tạm vắng mà Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) không có. Quy định này thể hiện 01 tình trạng liên quan đến cư trú của công dân là vắng mặt nơi cư trú đã đăng ký (nơi thường trú, nơi tạm trú). Theo đó, các trường hợp tạm vắng cụ thể cần phải khai báo cũng được quy định rõ tại Điều 31 Luật Cư trú năm 2020, như đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại… thì đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên là đã phải khai báo; người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên phải khai báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi cư trú…

1.8. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

So với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), thuật ngữ về nơi thường trú đã được giải thích ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Chỉ có nơi công dân sinh sống mà đã được đăng ký thường trú thì mới được gọi là nơi thường trú.

1.9. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Tương tự như quy định về nơi thường trú ở trên, thuật ngữ về nơi tạm trú cũng được Luật Cư trú năm 2020 điều chỉnh lại cho ngắn gọn và rõ ràng hơn so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

1.10. Nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống; trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống.

Đây là quy định mới so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Trong thực tế có trường hợp công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú và cũng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú (như người di cư, người lang thang…); do vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, cũng như quản lý dân cư được chặt chẽ hơn, Quốc hội đã thống nhất bổ sung quy định việc quản lý cư trú đối với nhóm người này tại Điều 19 Luật Cư trú năm 2020; đồng thời, bổ sung thuật ngữ giải thích về nơi ở hiện tại cho đầy đủ. Đây là một trong những trường thông tin về công dân của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định Luật Căn cước công dân.

2. Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ tại Điều 4 về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; trong đó, quy định mới trường hợp hạn chế đối với: (1) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; (2) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa điểm, khu vực, địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm...

Luật Cư trú năm 2020 bỏ một số nội dung quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến Sổ Hộ khẩu tại Điều 7 và bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú…

II. CHƯƠNG II (QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN VỀ CƯ TRÚ) GỒM 03 ĐIỀU (TỪ ĐIỀU 8 ĐẾN ĐIỀU 10)

Chương này quy định về: Quyền của công dân về cư trú; nghĩa vụ của công dân về cư trú; quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú.

1. Bên cạnh các quyền theo luật hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 bổ sung một số quyền để phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và hình thức quản lý cư trú mới. Theo các quy định này, công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật; được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu…

2. Luật Cư trú năm 2020 cũng quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú; theo đó, Luật quy định những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.

Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định. Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó đồng thời là chủ hộ.

Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật này; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 và khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú năm 2020.

Thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

III. CHƯƠNG III (NƠI CƯ TRÚ) GỒM 09 ĐIỀU (TỪ ĐIỀU 11 ĐẾN ĐIỀU 19)

Chương này quy định về: Nơi cư trú của công dân; nơi cư trú của người chưa thành niên; nơi cư trú của người được giám hộ; nơi cư trú của vợ, chồng; nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang; nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; cụ thể:

1. Một số quy định về nơi cư trú của công dân; nơi cư trú của người chưa thành niên; nơi cư trú của người được giám hộ; nơi cư trú của vợ, chồng cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

2. Luật quy định rõ về nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; theo đó, nơi cư trú của những người này là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật này.

Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ. Việc xác định cụ thể nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú năm 2020.

3. So với quy định của Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung quy định về nơi cư trú của (1) Người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; (2) Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; (3) Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; cụ thể Luật quy định:

(1) Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc, chức việc, người khác hoạt động tôn giáo sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật này.

(2) Nơi cư trú của trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở trợ giúp xã hội.

Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là nơi cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

(3) Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.

Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại. Khi đó, đối với trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn người đến khai báo kê khai thông tin về nhân thân với các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiến hành chụp ảnh chân dung, thu thập đặc điểm nhận dạng.

Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; đồng thời, có xác minh bằng văn bản đề nghị cung cấp thông tin gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi công dân sinh ra và các cơ quan khác có liên quan.

Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và các thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì tiến hành cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp Giấy xác nhận về việc khai báo cư trú cho công dân.

Việc bổ sung quy định này để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với người chưa đăng ký thường thường trú, tạm trú ở đâu (như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…). Việc bổ sung quy định này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với dân cư cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân Việt Nam chưa có nơi thường trú, nơi tạm trú. Quy định này sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng và áp dụng các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp cho nhóm người này; bảo đảm tốt hơn nữa trong công tác quản lý dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước ta áp dụng phương thức quản lý dân cư bằng Cơ sở dữ liệu điện tử thông qua mã số định danh cá nhân.

IV. CHƯƠNG IV (ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ) GỒM 07 ĐIỀU (TỪ ĐIỀU 20 ĐẾN ĐIỀU 26)

Chương này quy định về: Điều kiện đăng ký thường trú; hồ sơ đăng ký thường trú; thủ tục đăng ký thường trú; địa điểm không được đăng ký thường trú mới; xóa đăng ký thường trú; tách hộ; điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

1. Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20 Luật); tức là, không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

* Các điều kiện đăng ký thường trú cụ thể gồm:

(1) Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

(2) Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp có quan hệ hôn nhân, huyết thống như vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con…

 (3) Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi (1) được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; (2) bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/ người.

(4) Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp:

- Người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;

- Người đại diện cơ sở tín ngưỡng;

- Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;

- Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

(5) Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

(6) Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện:

- Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú;

- Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;

- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

2. Đối với các trường hợp cụ thể, Luật Cư trú năm 2020 đã quy định rõ hồ sơ đăng ký thường trú tương ứng tại Điều 22 Luật theo hướng rất đơn giản, tối thiểu.

3. So với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các thủ tục về: Cấp đổi Sổ Hộ khẩu; Cấp lại Sổ Hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu. Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các thủ tục: Tách Sổ Hộ khẩu (được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình và được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú); Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú… Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại này nên thời hạn giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Nếu như hiện nay, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo Luật mới quy định tối đa là 07 ngày.

Bên cạnh đó, về thẩm quyền đăng ký thường trú tại địa bàn đô thị, Luật Cư trú năm 2020 cũng có thay đổi so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).  Luật Cư trú năm 2006 quy định thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú: (1) đối với thành phố trực thuộc trung ương là Công an huyện, quận, thị xã; (2) đối với tỉnh là Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Tuy nhiên, trước chủ trương Công an cấp xã phải bám cơ sở của Bộ Công an; trong đó, quản lý cư trú là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của lực lượng Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn, Đồng thời, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an thực hiện cũng xác định lực lượng chủ chốt có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về cư trú của công dân là Công an xã, phường, thị trấn; do đó, Bộ Công an đã đề xuất điều chỉnh thẩm quyền thực hiện giải quyết đăng ký thường trú theo hướng quy định thống nhất trên mọi địa bàn đều là Công an cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi công dân cư trú để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới. Quy định này cũng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, thời gian cho người dân khi được thực hiện đăng ký thường trú ngay tại địa bàn Công an xã, phường, thị trấn nơi mình sinh sống.

Đồng thời, đối với các cơ quan nhà nước thì quy định này cũng đem lại nhiều lợi ích như:

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân.

Hai là, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước.

Ba là, giúp tăng cường công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng.

 Bốn là, giúp việc kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

4. Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định 05 trường hợp xóa đăng ký thường trú là: (1) Người bị chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; (2) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; (3) Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú; (4) Ra nước ngoài để định cư; (5) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và tăng cường công tác quản lý cư trú được chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú), nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an ninh xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú:

(1) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (điểm d khoản 1 Điều 24).

(2) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (điểm đ khoản 1 Điều 24).

(3) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24 (điểm e khoản 1 Điều 24).

(4) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24 (điểm g khoản 1 Điều 24).

(5) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (điểm g khoản 1 Điều 24).

(6) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật (điểm g khoản 1 Điều 24).

5. Ngoài trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 (Trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con), Luật Cư trú năm 2020 bổ sung quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới; đây là những nơi ở không an toàn, không thể ở lâu dài hoặc nếu cho phép đăng ký thường trú mới tại chỗ ở đó vì sẽ phát sinh thêm phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, quy hoạch phát triển địa phương. Do đó, cần yêu cầu công dân không được đăng ký thường trú mới vào những địa điểm này, cụ thể gồm:

(1) Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

(2) Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

(3) Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

(4) Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

(5) Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Luật Cư trú năm 2020 cũng quy định rõ các điều kiện để thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp gồm:

(1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

(2) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

(3) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp bị hạn chế đăng ký thường trú mới quy định tại Điều 23 của Luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Về việc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Luật Cư trú năm 2020 quy định thông tin về cư trú của công dân được thực hiện điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

(1) Thay đổi chủ hộ;

(2) Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

(3) Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.

Theo đó, đối với trường hợp (1), (2) thì công dân hoặc thành viên hộ gia đình phải có trách nhiệm nộp hồ sơ (gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; Giấy t, tài liệu chứng minh việc điều chnh thông tin) tới cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện việc điều chỉnh thông tin. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đối với trường hợp (3) thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm tự điều chỉnh, cập nhật việc thay đổi thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người dân sau khi đã điều chỉnh.

V. CHƯƠNG V (ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ, THÔNG BÁO LƯU TRÚ, KHAI BÁO TẠM VẮNG) GỒM 05 ĐIỀU, TỪ ĐIỀU 27 ĐẾN ĐIỀU 31

Chương này quy định về: Điều kiện đăng ký tạm trú; hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú; xóa đăng ký tạm trú; thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng.

1. Luật Cư trú năm 2020 quy định công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú; thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần (lưu ý là trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú).

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

2. Để quản lý chặt chẽ tình hình biến động của dân cư sinh sống trên địa bàn các địa phương, Luật Cư trú năm 2020 cũng bổ sung quy định rõ các trường hợp người bị xóa đăng ký tạm trú gồm:

(1) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

(2) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định tại Điều 35 của Luật Cư trú.

(3) Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

(4) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

(5) Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;

(6) Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

(7) Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;

(8) Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan đã đăng ký tạm trú có thẩm quyền xóa đăng ký tạm trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Về thông báo lưu trú, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa các quy định của Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Ngoài ra Luật sửa đổi trường hợp thông báo lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau (Luật Cư trú năm 2006 quy định là vào sáng ngày hôm sau) cho rõ ràng và chặt chẽ.

4. Về khai báo tạm vắng, Luật Cư trú năm 2020 cũng cơ bản kế thừa quy định của Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) về trường hợp khai báo tạm vắng. Tuy nhiên, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung một số đối tượng cần khai báo tạm vắng (như người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;  người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng…) để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Xử lý vi phạm hành chính và bổ sung trường hợp khai báo tạm vắng đối với người đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên (đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú), trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài để quản lý cư trú được chặt chẽ hơn.

Nội dung khai báo tạm vắng bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng khi có yêu cầu.

VI. CHƯƠNG VI (TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CƯ TRÚ) GỒM 05 ĐIỀU (TỪ ĐIỀU 32 ĐẾN ĐIỀU 36)

Chương này quy định về: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú; người làm công tác đăng ký cư trú; hủy bỏ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; Cơ sở dữ liệu về cư trú.

1. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú: Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Ngoài ra, Luật Cư trú năm 2020 bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong việc (1) cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; (2) xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Luật Cư trú năm 2020 quy định Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú, là tài sản quốc gia do Bộ Công an thống nhất quản lý. Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.

Đồng thời, Luật Cư trú năm 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú để hướng dẫn về nội dung này. Theo đó, một số nội dung dự kiến quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú cơ bản gồm các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các trường thông tin khác để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước như: (1) Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú; (2) Nơi tạm trú, thời gian bắt đầu đến tạm trú, thời gian tạm trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú; (3) Tình trạng khai báo tạm vắng, thời gian tạm vắng; (4) Nơi ở hiện tại, thời gian bắt đầu đến nơi ở hiện tại; (5) Nghề nghiệp; (6) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; (7) Tiền án; (8) Tiền sự; (9) Nơi lưu trú, thời gian lưu trú; (10) Biện pháp ngăn chặn bị áp dụng; (11) Thông tin liên lạc (số điện thoại, fax, mail, địa chỉ hòm thư)…

VII. CHƯƠNG VII (ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH) GỒM 02 ĐIỀU (ĐIỀU 37, ĐIỀU 38)

Chương này quy định về: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú; điều khoản thi hành.

1. Luật Cư trú năm 2020 bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 của Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 để bổ sung một số trường thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc giải quyết các thủ tục hành chính và nhu cầu dân sự của công dân, gồm: (1) Nơi tạm trú; (2) Tình trạng khai báo tạm vắng; (3) quan hệ với chủ hộ và họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của các thành viên hộ gia đình.

2. Luật cũng quy định bãi bỏ một số nội dung liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, sử dụng thông tin liên quan đến Sổ Hộ khẩu trong giải quyết thủ tục hành chính của Luật Thủ đô, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lý lịch tư pháp.

3. Về hiệu lực thi hành

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021; kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2021, nếu cần sử dụng thông tin về cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự, công dân có thể có thể khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ nhu cầu của mình./.

Thực hiện: 

VHTT

Nguồn: 

Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật- Sở Tư pháp Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức