Trong những năm gần đây, số lượng vụ cháy nhà dân ngày càng tăng, đặc biệt là nhà dân trong các ngõ, hẻm. Rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Trước tình hình trên, để bảo đảm an toàn PCCC đối với khu dân cư, nhà dân trong ngõ hẻm, giảm thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến cháy nổ, loại bỏ thương vong về người và kéo giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, Công an quận Hà Đông khuyến cáo người dân cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau:
1. Đối với nhà dạng ống chật hẹp, tuyệt đối không để xe máy gần bếp và các thiết bị điện. Khi để xe máy trong nhà, chỉ nên đóng cửa có hoa sắt chứ không nên đóng kín cửa kính, cửa cuốn.
2. Trước khi đi ngủ, việc đầu tiên phải kiểm tra, rút phích cắm các thiết bị điện không sử dụng, kiểm tra nơi đun nấu để ngắt bếp từ, khóa van bếp gas và kiểm tra nơi thờ cúng.
3. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; trường hợp đã lắp thì phải bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu, mặt nạ phòng độc và dụng cụ phá dỡ... để thoát nạn khi cháy xảy ra.
4. Chủ động xây dựng, chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3 ngoài cửa chính) qua lô gia, ban công, cửa sổ, lối lên mái sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp. Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn.
5. Không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện qua đêm; trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, tắt thiết bị điện không sử dụng (như: bình nóng lạnh, bình đun nước, bếp điện, máy giặt...).
6. Chủ động và vận động các thành viên trong gia đình, người dân xung quanh khu dân cư, tổ dân phố... tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC&CNCH để cập nhật các thông tin, quy định, biện pháp, điều kiện cũng như kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; tham gia các buổi sinh hoạt, buổi tọa đàm tại khu dân cư, tổ dân phố để được giải đáp thắc mắc, khó khăn nếu có khi thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC tại hộ gia đình; tích cực tham gia các mô hình an toàn PCCC đã và đang được triển khai tại địa phương (Tổ Liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng...) để hỗ trợ nhau khi cần thiết, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra.
“Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, nâng cao ý thức người dân trong phòng cháy chữa cháy để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra’’
Viết bình luận