Một số phong tục nghi lễ văn hóa Đình tại Văn Phú

Một số phong tục nghi lễ văn hóa Đình tại Văn Phú (phần 1)

Văn Phú xưa là một làng quê trù phú, có bến nước sân đình, có những lũy tre xanh mướt với cánh đồng thơm mùi hương lúa, có những phong tục đẹp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc còn lưu truyền mãi trong cuộc sống hôm nay. Một trong những phong tục ấy là sinh hoạt văn hóa Đình làng.

Làng Văn Phú có từ năm 1733, mặc dù lúc mới lập làng chỉ vẻn vẹn có vài chục nóc nhà, nhưng tiền nhân xưa đã cùng nhau xây dựng được ngôi đình làng lợp lá khang trang để được công nhận là làng và là nơi thờ Thánh, đồng thời cũng là  nơi sinh hoạt  cộng đồng của một đơn vị hành chính Làng. Ngôi Đình bằng lá xưa đã bị cháy, ngôi Đình này nằm ở Xóm dưới, cạnh nhà thờ họ Đào, sau làng mới chuyển về vị trí hiện nay. Đình Văn Phú thờ vị Thành Hoàng thời tiền Lý (thế kỷ thứ VI). Ngay từ xa xưa, phàm theo phép tắc, lễ nghi, Đình là nơi tôn nghiêm thờ Thánh, nơi diễn ra các cuộc họp bàn việc quan trọng của Làng.

Do vậy, người xưa đã có những quy định rất chặt chẽ về văn hóa trong lễ nghi Đình làng, có những điều được ghi chép bằng văn bản (hương ước), có những điều bất thành văn (không ghi chép trong văn bản) nhưng mọi người sinh sống trong làng đều phải thực hiện, lâu dần trở thành phong tục tập quán, đời trước truyền lại cho đời sau.

Dưới đây là một số phong tục lễ nghi văn hóa Đình Văn Phú

- Lệ Vọng Lão Đình: đã thành lệ, trai đinh trong làng cứ đến tuổi 12 (tính tuổi âm lịch) thì sắm cơi trầu ra Đình và gọi là "vào làng", khi đến tuổi 49 (tính tuổi âm lịch) thì có cơi trầu ra lễ thánh và trình làng để xin được vào vọng (vào hội Lão Đình) công việc người mới vào vọng là phục dịch các công việc của Đình làng cụ thể la: mua sắm và chuẩn bị lễ vật dâng thánh trong các ngày lễ, ngày tết, ngày mùng một, ngày rằm ... ngoài việc chuẩn bị lễ nghi, bộ phận ngày còn có nhiệm vụ chuẩn bị cỗ bàn, bưng bê, dọn dẹp khi Đình có việc. Những người vào vọng này thực hiện các công việc theo sự chỉ đạo của bàn nhất và thực hiện công việc này trong một năm. Nếu sau một năm mà không có người vọng thì phải tiếp tục công việc đến khi có người vào vọng tiếp theo để bàn giao mới được nghỉ.

- Sóc vọng:theo quy định hội lão đình người xưa gọi là "hương lão", cứ tuần tự thay nhau từ người cao tuổi nhất đến người mới vào vọng, khi quay hết một vòng thì lại tiếp tục theo tuần tự, đến lượt ai thì người đó phải tự sắm lễ nghi theo quy định để lễ Thánh.

  • Lễ vật sóc vọng:gồm 15 phẩm oản (bằng xôi nếp loại ngon), 9 quả cau (mỗi cơi trầu 3 quả), 30 quả chuối (chuối chín), hoa huệ một chục (nếu không có huệ thì phải thay bằng hoa hồng hoặc hoa cúc), vàng đại, rượu một chai (xưa chỉ có lễ ở Đình, lễ vật ít hơn, nay thêm lễ Nhà lưu niệm Bác Hồ nên lễ vật quy định như vậy).
  • Các tuần sóc vọng: mỗi tháng 2 kỳ là mùng một và ngày rằm (âm lịch), tết nguyên đán, lễ đầu xuân năm mới (03 ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tết). Ngoài ra còn có các tiết khác như: mùng 7 tháng giêng (hạ cây nêu), tiết lập hạ (vào hè ngày 01 tháng 4 âm lịch), tiết ra hè (ngày 30 tháng 7 âm lịch) ... Riêng các ngày lễ hội gồm: ngày sinh nhật Đức bản cảnh Thành Hoàng (mùng 10 tháng giêng âm lịch), ngày hóa nhật (ngày 20 tháng 10 âm lịch). Phần lễ các ngày do Ban Tứ Trung lo. Ngày mùng 10 tháng chạp lễ chạp Thánh (vệ sinh tu sửa tại Quán, giống như tảo mộ). Ngày 30 tháng chạp lễ tất niên, lễ thượng tiêu (trồng cây nêu) cũng do Ban Tứ Trung chuẩn bị lễ vật (xưa những ngày lễ trên do cai đám lo).
  • Ban Tứ Trung:gồm những người từ bàn nhất đến bàn tư
    • Bàn nhất: các cụ tuổi 69
    • Bàn nhì: các cụ tuổi 68
    • Bàn tam: các cụ tuổi 67
    • Bàn tư: các cụ tuổi 66

Mỗi bàn có 4 người được cử vào Ban Tứ Trung, là những người có bố cao tuổi hơn trong cùng lứa tuổi, người nào có bố cao tuổi nhất trong 4 người được chọn được cử làm trưởng bàn (cai đám). Ban Tứ Trung có 16 người, nếu các bàn khuyết có thể lấy người dưới trong bàn đến thay.

Nhiệm vụ của Ban Tứ Trung:lo quán xuyến mọi việc trong nội đình, từ việc xắp đặt lễ nghi, quản lý, phân công trong tổ chức "Hương lão" và các vấn đề liên quan đến các công việc của Đình.

Ngày xưa đến tuổi 66 (bàn tư) được cử ra lo liệu việc nội đình.

Ông đứng đầu bàn nhất (cai đám) năm đó phải nuôi một đôi lợn (2 ông ỉ) để phục vụ làng và đám (ngày sinh nhật Đức Bản Cảnh Thành Hoàng làng mung 10 tháng giêng). Thuở xưa những người không lo được thì bán chức "cai đám" cho những người có tiền mua "cai đám". Do nhiều người mua chức này, số tiền tích góp lại nên làng làm được Đình vuông. Ngoài ra, xa xưa làng còn có ruộng riêng của Đình, ruộng này do những người không có con cái "đặt hậu" , những người này có bia đặt tại Hữu Mạc của Đình, ngoài ra còn có các gia đình khá giả cung tiến. Số ruộng này làng giao cho ông "cai đám" cấy cầy, lấy tiền lo lễ nghi các tuần tiết tại Đình theo quy định, một phần ruộng giao cho cụ từ cấy, lấy tiền nhang đăng trong Đình quanh năm.

"Cai đám" cũng chính là chủ tế, xưa mỗi năm một người (sau này đến thời Pháp thuộc làng có quy định lại).

"Ông từ" là người hàng ngày chăm lo nhang đăng và trông nom Đình, "ông từ" do "hương lão" của làng bầu ra. "Ông từ" phải là người từ 60 tuổi trở lên, gia đình không có "bụi", vợ chồng song toàn, con cái đề huề, gia đình hạnh phúc.

  • Trang phục:quan viên bắt đầu vào vọng (tuổi 49 đến tuổi 69) khi vào lễ trang phục quần trắng, áo the, khăn xếp. Quan viên hành lễ (tế) mặc áo thụng màu lam xanh, mũ xanh có dải đằng sau, đi hia xanh, chủ tế mặc quần áo đỏ, mũ đỏ. Các cụ 70 trở lên (thất thập) mặc quần áo đỏ, khăn xếp đỏ. Các cụ 80 trở lên (bát thập) quần áo đỏ. mũ đỏ có tai chuồn (mũ đi che tai). Thuở xưa, các cụ tuổi thất thập trở lên làng may tặng áo đỏ, mũ đỏ.
  • Tế thánh:
    • Nội tán: có 1 người Đông xướng
    • Ngoại tán: có 2 người Đông xướng
    • Quan viên tế: có 15 người, bao gồm Đông xướng 2, Tây xướng 2, Chủ tế 1 (ông cai), Bồi tế 2, Dẫn rượu 6 (mỗi bên 3 người xếp hàng) theo thẳng tiến vào nội đình, đi đầu là Đăng (đèn), đài, bên kia đối diện là rượu, hai quan viên tế tiếp đài rượu vào cung (hai quan viên này đứng tại nội cung).
  • Nghi lễ Tế:
    • Khởi chinh cổ: (nổi 3 hồi chiêng trống)
    • Phủ soát lễ vật: (kiểm tra các lễ vật cho việc tế) sau khi kiểm tra xong chủ tế xướng "Lễ vật dĩ túc"
    • Thượng hương: (thắp nén hương)
    • Các quan ẩm phước: (rửa tay bằng nước gừng tẩy trần) sau đó quan viên đứng vào vị trí chuẩn bị
    • Thượng hương: bao gồm đăng và nhang theo sau là ông chủ tế. Lễ nghênh gồm chủ tế và bồi tế đều phải lễ 4 lễ.
  • Bắt đầu vào tế:
    • 1 Tuần rượu thứ nhất đi từ ngoài vào trong Đình
    • Tuần thứ hai đọc chúc (tuần 2 cũng như tuần 1 đi theo dẫn rượu)
    • Tuần thứ ba cũng như tuần thứ hai cũng đi dẫn rượu, sau 3 tuần tế trên thì đến tuần Ẩm phước, mời ông chủ tế ăn trầu, sau đến Lễ tạ Đại Vương 4 lễ (ông chủ tế và bồi tế lễ)

 

 

Thực hiện: 

Đỗ Bính

Nguồn: 

Đỗ Bính

Viết bình luận

Xem thêm tin tức