Một số phong tục nghi lễ văn hóa Đình tại Văn Phú

Một số phong tục nghi lễ văn hóa Đình tại Văn Phú (phần 2)

Lễ hội

Đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc thù của mỗi làng quê Đất việt (Chuông làng nào làng đó đánh, Thánh làng nào làng đó thờ), lễ hội là dịp để các thế hệ trong làng tưởng nhớ đến công đức tổ tiên, tưởng nhớ đến tiền nhân, những người có công khai làng lập ấp, những người có công với dân, với nước trong việc truyền dạy nghề nghiệp, chống chọi với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông đất nước (những người này khi mất được phong là Thành Hoàng làng). Lễ hội cũng là dịp để giáo dục truyền thống quê hương, là dịp để mọi người dân trong làng dù làm ăn sinh sống nơi đâu cũng nhớ về nguồn cội, nhớ về quê hương  bản quán, nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Theo quan điểm xưa, ngày tết có thể không về quê, nhưng vào dịp lễ hội, người ta cũng cố thu xếp để về lễ Thánh kẻo mang tiếng là bỏ làng. Lễ hội cũng là dịp để mọi người dân trong làng không phân biệt gái, trai, già, trẻ, bằng cấp xã hội được tham gia và hưởng thụ văn hóa cộng đồng. Lễ hội cũng là nét văn hóa tâm linh "dâng nén nhang thơm cáo yết với trời đất, tổ tiên, thánh thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người mạnh khỏe, ấm no hạnh phúc, cầu cho dân an nước thịnh". Thông qua lễ hội, hướng người ta tự hoàn thiện mình và vươn tới nét đẹp chân thiện mỹ.

Lễ hội gồm 2 phần:

  • Phần lễ: Do các cụ trong nội Đình (Ban Tứ Trung) chịu trách nhiệm.
  • Phần hội: Do các ban ngành đoàn thể trong địa phương chịu trách nhiệm. Ngày xưa làng quy định vào những năm phong - hòa - cốc thì làng tổ chức đại đám. Ngày nay làng quy định tổ chức 5 năm đại đám một lần. Lễ hội Văn Phú xưa kéo dài gần hết tháng giêng. Ngày nay lễ hội được tổ chức gọn trong 2 đến 3 ngày (từ ngày 10 tháng Giêng đến 12 tháng Giêng âm lịch). Ngày mùng 8 làng mở cửa Đình soạn đồ, chiều mùng 9 rước văn từ nhà ông thầy ra Đình làng, sáng mùng 10 các ban, ngành đoàn thể làm lễ dâng hương và khai mạc lễ hội, sau đó các cụ làm lễ tế sinh nhật Đức bản cảnh Thành Hoàng. Lễ vật gồm: xôi, gà, oản, quả, ngày xưa lễ vật là lễ tam sinh gồm 1 sống gà, 1 sống vịt, một thủ lợn. Ngày 11 tế nhập tịch, lễ vật là "ông ỉ" (thịt lợn). Ngày xưa ông cai phải dâng một cặp lợn đen được chăm nuôi sạch sẽ làm lễ vật, lợn tế phải là lợn đen tuyền, để nguyên con thịt để sống, người ta cắt một túm lông đuôi, một túm lông gáy của lợn bỏ vào bát tiết của lợn, để làm lễ vật tế gọi là mao huyết. Ngày 12 tế rước tịch, rã đám, đóng cửa Đình. Những năm đại đám, buổi chiểu khoảng 12 hoặc 13 giờ, làng tổ chức rước kiệu ra làm lễ tại Quán. Sau khi rước về thường vào lúc trời đã tối hẳn, đoàn rước đi dưới ảnh đuốc bập bùng huyền ảo (ngay từ tháng 10 năm trước làng đã chuẩn bị nứa tét phơi thật khô, bó thành từng bó để làm đuốc) về Đình, làm lễ tế yên vị, ngày hôm sau mới tế rước tịch rã đám kết thúc lễ hội.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, làng tổ chức múa sư tử và các trò vui chơi giải trí, biểu diễn văn nghệ hát cửa Đình, hát văn tại Miếu (xưa kia hát cửa Đình được thực hiện tại Đình vuông với chiếu chèo, diễn các tích chèo cổ; vào các ngày mùng 8,9,10 tháng Giêng vào buổi tối bên hữu mạc dành cho các vị chức sắc và quan viên trong làng, bên tả mạc là thường dân và khách thập phương đến xem hát) trò vui chơi thường có cây đu, bịt mắt bắt dê, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, chạy hóa trang, thi chọi gà, thi nấu cơm, thi kéo co giữa các giáp với nhau ...

Cỗ việc làng:vào các ngày lễ trọng như sinh nhật, hóa nhật Đức Bản Cảnh Thành Hoàng tất cả hội lão đình có mặt để lễ thánh và thụ lộc, cỗ đình ở Văn Phú từ xa xưa vẫn quy định mỗi cỗ 4 người, phân theo thứ bậc, các cụ thất thập trở lên ngồi chiếu bên phía trái Đình, quan viên dưới 70 ngồi bên phía phải Đình, riêng Ban Tứ Trung và các vị chức sắc xưa quy định ngồi chính gian giữa Đình, các quan viên còn lại ngồi phía ngoài Đình vuông, ai bố cao tuổi hơn ngồi bàn trên, thứ tự ngồi từ cao xuống thấp theo danh sách đã được quy định.

(còn nữa)

 

Thực hiện: 

Đỗ Bính

Nguồn: 

Đỗ Bính

Viết bình luận

Xem thêm tin tức