Xây dựng văn hóa học đường

Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn ngành về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc trong mỗi nhà trường. Tuyên truyền, giáo dục cho học sinh triển khai hiệu quả thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên.

UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 54/QĐ-BGDĐT ngày 09/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường của ngành Giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kế hoạch nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến mới về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên góp phần phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; xây dựng người Thủ đô yêu nước, nhân ái, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Để tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường, UBND Thành phố yêu cầu ngành Giáo dục trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ.

Mặt khác, quan tâm đầu tư tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục, tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các cơ sở giáo dục, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động; đáp ứng yêu cầu về bảo đảm chất lượng hoạt động biếu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành Giáo dục đủ phẩm chất, năng lực, để cao danh dự, lòng tự trọng, ý chí phấn đấu và khát vọng cống hiến. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục tương xứng với yêu cầu định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường gắn với việc thực hiện Nghị quyết vê “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động thể thao, xây dựng và phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao trong trường học; đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”.

Tại Kế hoạch, Thành phố Hà Nội cũng đề ra các giải pháp, đáng chú ý là giải pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn ngành về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc trong mỗi nhà trường. Tuyên truyền, giáo dục cho học sinh triển khai hiệu quả thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên.

Đồng thời, rà soát, đề xuất kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hệ thông văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phố thông năm 2018, trong đó chú trọng vào các quy định: Về quy tăc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố; Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ các cấp học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên; Rà soát điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc, mang tính hình thức, không phát huy đuợc tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không còn phù hợp với thực tiễn.

UBND Thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc đổi mới dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Về việc này, Thành phố yêu cầu ngành Giáo dục cần đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức trong hoạt động giảng dạy và hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh và văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ về công tác cán bộ “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thông chính trị; kiên quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cán bộ quản lý, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Đổi mới phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo, trách nhiệm; phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo để cán bộ quản lý, công chức, viên chức phát huy vai trò dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Giáo dục. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục./.

Nguồn: 

Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật- Sở Tư pháp Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức